Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

QUẢNG ĐẠI

Có một tờ báo chí đăng tin, một anh chàng Việt Kiều đại gia nào đó thích "chơi nổi". Anh ta đừng trên lầu 1 của một khách sạn sang trọng, cầm trong tay một xấp tiền đủ loại mệnh giá, ngoắc tay gọi những người ăn xin, bán vé số lại, rồi tung xấp tiền ấy lên không cho tiền bay tung toé để những người dân nghèo chen chút nhau lụm tiền giữa tiếng kêu la và chen lấn nhau. Và anh ta cảm thấy vui với cách cho tiền của mình như thế.

Đây có phải là tấm lòng quảng đại muốn chia sẻ. Chắc chắn là không, vì khi chia sẻ là phải cho đi không phải vì hình thức bên ngoài, vì số dư hay vì miễn cưỡng. Nhưng cho đi bằng cả tấm lòng, bằng con tim yêu thương.

Qua bài Tin Mừng với việc làm của ông Giakêu, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị của tiền bạc đối với người sử dụng nó và qua đó chúng ta rút ra được một bài học, đó là hãy biết cho đi. Bởi vì thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng yêu thương nhiều, nhất là cho đi với một lòng thành thực thiết tha. Nhưng không phải chỉ cho những gì là vật chất như của cải, tiền bạc mới là cho. Chúng ta có thể cho những gì là siêu nhiên cao quý như lời cầu nguyện; và cho những gì là tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa hay những lời an ủi chân thành...
       Vậy chúng ta đang có đồng tiền loại nào? Chúng ta có dự định sẽ làm gì để có đồng tiền cho đi. Có một nhà tu đức đã nhắc nhở chúng ta rằng:
Những gì chúng ta tiêu xài sẽ tiêu tán mất,
Những gì chúng ta mua sắm thì người khác sẽ dùng,
Những gì chúng ta tích luỹ rồi sẽ phải để lại cho người khác,
Chỉ có những gì chúng ta cho đi là tồn tại mãi.

Chúa Nhật Thứ 31 Thường Niên C
Lời Chúa: 
 Lc 19, 1-10
1Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. 5Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" 6Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!" 8Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." 9 Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham.10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
                                              
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)

1. Ơn cứu độ là kết quả sự hợp tác của hai phía : con người (Dakêu “tìm cách xem” mặt Chúa, “chạy tới phía trước”, “leo lên cây sung”) và Thiên Chúa (Chúa Giêsu “nhìn lên”, gọi Dakêu, và đến “trọ nhà” ông).
2. Dakêu là hình ảnh :
  • của những người giàu : giàu tiền nhưng nghèo đạo đức thì trong lòng vẫn còn thiếu thốn và trống trải. Dakêu đi tìm Chúa Giêsu để lấp đầy khoảng trống thiếu thốn trong lòng mình.
  • của người môn đệ : Tin Mừng Luca thường ghi lại những lời Chúa Giêsu khuyên môn đệ hãy bán tài sản để mua Nước Trời, hãy đem tài sản phân phát cho người nghèo rồi theo Ngài. Dakêu đã làm đúng như vậy.
  • của người hoán cải : trước khi hoán cải, Dakêu thu gom tiền bạc, làm hại người khác, ích kỷ. Sau khi hoàn cải, ông không tiếc tiền, dùng tiền một cách quảng đại để đền bù thiệt hại mình đã gây ra cho người khác, lại còn bố thí cho người nghèo. Khi hoán cải, người ta trở nên quảng đại, vì người ta biết rằng những gì mình cho người khác chẳng đáng là gì so với những gì Chúa ban cho mình.
3. “Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta chìa khóa của sự bình an, đó là hãy sống quảng đại. Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu chúng ta ra khỏi chính mình để sống quảng đại với người khác” (trích "Mỗi ngày một tin vui").
4. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu chắc không phải tình cờ. Một trong những ý định khiến Chúa Giêsu đi ngang qua Giêrikhô là để tìm cứu Dakêu, như lời Ngài nói “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần kẻ “hư mất” chịu khó tìm đến Chúa để lãnh nhận thôi.
5. Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ : “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đầy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.
Việc hoán cải một tập thể phải bắt đầu từ một con người. Muốn hoán cải một gia đình thì một người nào đó trong gia đình phải khởi sự hoán cải trước. Muốn hoán cải một cộng đoàn thì phải có ai đó trong cộng đoàn khởi sự trước. (Barclay)
6. “Ông Dakêu đứng lên thưa với Chúa rằng : Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8)
Ngồi học bài mà tôi không thể yên được vì thỉnh thoảng tiếng la ó cổ vũ cho đội tuyển VN trong Cúp Châu Á lại rộn lên. Bầu khí gia đình tôi vui hẳn lên. Ai cũng xôn xao phấn khởi trước những bàn thắng của đội nhà. Đến lớp, các bạn tôi dường như gần gũi nhau hơn và nói về thắng lợi của đội tuyển VN như là thắng lợi của chính mình. Niềm vui khiến người ta gần gũi nhau hơn.
Niềm vui của một Dakêu được gặp Chúa, được Con Thiên Chúa “đụng chạm” đến đã cho ông sức mạnh phá đổ mọi hàng rào ngăn cách giữa mình với anh em.
Giêsu ơi, xin Lời Chúa và Thánh Thể mà con được diễm phúc lãnh nhận trở nên niềm vui, nguồn hạnh phúc cho con, để con trở nên đẹp hơn và xích lại gần anh em con hơn. (Hosanna)
Cầu nguyện
Lạy Chúa xin dạy chúng con biết cách đến với mọi người, và khám phá ra đốm lửa nhỏ của sự hiện vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi. Ước gì chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, dám hy vọng không ngơi vào lòng tốt của mỗi người, và can đảm tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét