Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

CHO VÀ NHẬN


Có một câu chuyện kể rằng : Vào một đêm tiết trời mùa đông lạnh buốt, gió rít lên từng cơn và mưa rơi liên tục không ngớt. Tiếng chuông điện thoại vang lên trong nhà bác sĩ miệt vườn.
Mọt giọng nói vang lên: "Vợ tôi cần bác sĩ gấp"
Bác sĩ đáp: "Ông có thể đến đón tôi không? xe của tôi đang sửa".
Người ở đầu dây bên kia lắp bắp: "Cái gì" đi ra ngoài giữa trời tối thế này sao?

Cho và nhận là quy luật tất yếu trong cuộc sống. Sống ở đời , người ta"có qua có lại mới toại lòng nhau". Nhưng con người tự nhiên thường thích nhận nhiều hơn cho đi. Mặt trời cho ta ánh nắng ban mai ấm áp, bầu trời cho ta làn gió mát. Cỏ cây hoa lá đem đến cho ta sự tươi mới . Thời tiết tuần hoàn vũ trụ nhịp nhàng chuyển dịch đó chẳng phải là món quà vô giá mà ta nhận lãnh hằng ngày sao. Cha mẹ, gia đình, bạn bè cho ta mối tương giao đằm thắm gần gũi. Mỗi phút giây ta sống trên đời đều gửi đến cho ta một lời nhắn nhủ thiết thân. Mỗi sớm mai thức dậy, ta có biết cám ơn cuộc đời cho ta thêm một ngày sống để yêu thương không?. Với ý nghĩa đó hóa ra ta có rất nhiều cái để cho, nhiều điều để chia sẻ với tha nhân. 


Hôm nay, Phụng vụ Giáo Hội chuyển sang phần hai của Mùa Vọng. Tức là thời gian chuẩn bị cho việc đón Chúa trở nên gần hơn trước. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta biết về gia phả của Đức Giêsu, không chỉ nhằm mục đích cung cấp cho chúng ta thông tin về lai lịch dòng tộc của Đức Giêsu, mà còn mặc khải cho chúng ta biết về tình thương và ân sủng của Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại.

Tạ ơn Chúa vì tình yêu thương của Người dành cho nhân loại tội lỗi  là ban Con Một của Người cho chúng ta. Tạ ơn Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa vì yêu thương đã đến với chúng ta và nâng chúng ta lên.
Đáp lại tình yêu thương đó, mỗi chúng ta cũng phải biết sống cho xứng đáng. Chúng ta sống trong thế gian tội lỗi, nhưng không thuộc về thế gian. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta noi gương Ngài, là hoà mình với anh em đồng loại, nhưng không chạy theo "thói đời" nhưng là sống theo tinh thần của Tin mừng.

Lạy Chúa cảm tạ Chúa đã cho chúng con được làm người, được sinh vào cuộc đời, cho con biết bao niềm vui sống. Cho con thời gian, tài năng để phục vụ, cho con khó khăn để ý thức thân phận con người là hữu hạn, mong manh, cho con vấp ngã tội lỗi để biết nương tựa vào ơn Chúa. Xin cho con biết trao gửi nhau niềm vui của Chúa và cho con chân quý món quà Chúa ban để mỗi giây phút con sống là lời ca tụng Chúa.

Thứ Bảy ngày 17.12.2010
Lời Chúa: 
 Mt 1, 1-17
1Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham:
2Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này; 3Giuđa ăn ở với Tama sinh Perét và Derác; Perét sinh Khétxơron; Khétxơron sinh Aram; 4Aram sinh Amminađáp; Amminađáp sinh Nácson; Nácson sinh Xanmôn;5Xanmôn lấy Rakháp sinh Bôát; Bôát lấy Rút sinh Ôvết; Ôvết sinh Giesê; 6ông Giesê sinh Đavít. 7Vua Đavít lấy vợ ông Urigia sinh Salômôn7 Salômôn sinh Rơkhápam; Rơkhápam sinh Avigia; Avigia sinh Axa; 8Axa sinh Giơhôsaphát; Giơhôsaphát sinh Giôram; Giôram sinh Útdigia; 9Útdigia sinh Giotham; Giotham sinh Akhát; Akhát sinh Khítkigia; 10Khítkigia sinh Mơnase; Mơnase sinh Amôn; Amôn sinh Giôsigia;11Giôsigia sinh Giơkhongia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon.
12Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơkhongia sinh Santiên; Santiên sinh Dơrúpbaven;13Dơrúpbaven sinh Avihút; Avihút sinh Engiakim; Engiakim sinh Ado; 14Ado sinh Xađốc; Xađốc sinh Akhin; Akhin sinh Êlihút; 15Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; 16Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.
17Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.

Suy niệm: 
Chúng ta bước vào một giai đoạn mới để mừng lễ Giáng Sinh, mừng Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người cách trọn vẹn.
Làm người là có một gia phả. Thánh Matthêu đã muốn viết một gia phả dài của Đức Giêsu Kitô, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Mátthêu muốn cho thấy Đức Giêsu là con của cụ tổ Abraham, và cuộc đời Ngài gắn kết với Ítraen, dân được tuyển chọn. Ngài cũng là Con của vua Đavít, nên Ngài có cơ sở để là Đấng Kitô.
Làm người là sống trong dòng lịch sử một dân tộc với tất cả những thăng trầm và biến động của nó. Mátthêu chia lịch sử dân Do Thái làm ba thời kỳ. Thời kỳ chuẩn bị cho bước đầu của vương triều vua Đavít (cc. 2-6a), thời kỳ trị vì của các vua thuộc dòng Đavít (cc. 6b-11), và thời kỳ sau lưu đầy, khi vương quyền Đavít đã mai một (cc. 12-16). Mỗi thời kỳ mười bốn đời, nghĩa là hai lần bẩy, một con số linh thánh. Đức Kitô đã đằm mình trong dòng lịch sử này. Ngài là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (c.16-17). Tất cả lịch sử của dân tộc Ítraen cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tuyệt đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Ngài, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành tựu.
Trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ. Đó là chuyện lạ, vì người Do Thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria, bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại. Tama và Rakháp gốc Canaan, Rút gốc Môáp, vợ Urigia người Híttít. Các phụ nữ này đều có hoàn cảnh khác thường. Tama giả làm điếm để ngủ với cha chồng là Giuđa, hầu sinh con cho nhà chồng (St 38). Rakháp là một cô điếm ở Giêricô, đã giúp Giosuê chiếm Canaan (Gs 2). Bétsabê, vợ của Urigia, đã ngoại tình và lấy vua Đavít (2Sm 11-12). Rút đã lấy ông Bôát là người bà con gần, để nối dõi cho chồng (R 1-4). Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này. Ngài cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại.
Cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường. Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16). Như thế Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Ngài có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít. Làm người cần được sống trong bầu khí gia đình để lớn lên. Gia phả của Đức Giêsu nhắc tôi về gia phả của chính mình. Cũng với những bóng tối của lưu đày, với bao bất thường và vấp ngã. Chỉ mong trong cuộc đời tôi, gia đình tôi, dân tộc tôi, có mặt Giêsu.

Cầu nguyện: 
Lạy Cha từ ái, đây là niềm tin của con. Con tin Cha là Tình yêu, và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con. Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa, cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt, cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái. Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại, chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất cũng có một đốm lửa của sự thiện, được vùi sâu dưới những lớp tro. Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ. Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích, thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.
Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng. Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu. Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ đang chuyển mình tiến về với Cha, qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần. Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau, vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến, để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn. Lạy Cha, đó là niềm tin của con. Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm.Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016


















Thứ Sáu tuần 3 Mùa Vọng năm A
Lời Chúa: 
 Ga 5,33-36
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do Thái rằng: Các ngươi đã sai người đến hỏi Gioan và ông đã làm chứng cho sự thật. Còn Ta, Ta không ỷ vào lời chứng của một người, nhưng Ta nói thế là để các ngươi được cứu thoát. Gioan là đèn cháy sáng, và các ngươi trong một lúc đã vui mừng vì ánh sáng đó. Nhưng phần Ta, Ta có chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta.
(Nguồn: Ủy Ban Kinh Thánh / HĐGMVN)

B. Suy niệm: (... nảy mầm)
1.. “Trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” ("Mỗi ngày một tin vui"). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc sách thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
2. Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh một la bàn. Dù vậy, anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh có mang theo la bàn. Anh bảo có.
  - Tại sao anh không dùng nó ?
  - Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam, nhưng không được. Nó luôn lắc quanh và chỉ hướng Bắc.
  Nhiều người mong Thánh Kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh Kinhmuốn họ đi. (Góp nhặt)
3. Có lần, nhà văn Mark Twain nói : “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh Kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh Kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu.”
4. Muốn đọc Sách Thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

HƯƠNG VỊ CUỘC SỐNG

Có một nhà giáo dục đã kể câu chuyện như sau:
Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng. Người ta châm lửa và nến cháy sáng lung linh. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng.
Mọi người đều trầm trồ : “Ồ nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh. Thế nhưng nhưng những dòng sáp nóng bắt đầu chảy ra, chảy dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa , nến giật mình: “Chết mất, ta mà cứ chảy mãi như này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao lại phải thiệt thòi như vậy?”.

Nghĩ rồi nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Chỉ còn một sợi khói mỏng manh bay lên.
Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện tầm quan trọng của mình. Bỗng một người đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu.”Đèn dầu được thắp lên, còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ. Bấy giờ ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu ra rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng, được tiêu hao và tan chảy vì mọi người. Bởi vì nó là ngọn nến.
Mỗi người chúng ta là một ngọn nến trong vũ trụ bao la. Được thượng đế tái tạo trong yêu thương được triển nở và được hưởng hạnh phúc. Chúng ta cũng được cắt đặt quanh ta những mối quan hệ gần gũi, thân thiết là gia đình, hàng xóm, bạn bè, xã hội để cộng tác giúp đỡ lẫn nhau .
Ngọn nến trong câu chuyện trên có lúc đã không chịu chiếu sáng, không sống với hết bản chất của riêng  mình . Ngọn nến đã vụt tắt, ích kỉ giữ lại cho riêng mình mãi cho tới lúc bị lãng quên như vật phế thải mới hiểu ý nghĩa của sự tiêu hao , hiểu được niềm vui của sự cho đi.
Quả thật cuộc sống của con người có mang được những hương vị ý nghĩa cho đời hay không là ta biết lan tỏa hương vị đó ra cho mọi người, là biết phục vụ, chia sẻ với mọi người chung quanh . Bởi không ai là một hòn đảo tách biệt, ngay cả đất đá vo tri…Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì như sỏi đá cũng cần có nhau. Bởi thế khi ta sống cùng và sốn với mọi người quanh ta, hãy làm điều gì đó dù rất nhỏ như: nở nụ cười khi gặp gỡ, chào nhau bằng cái chào thân thiện , chia sẻ cho nhau nếu có thể. Hãy sống là người trưởng thành và có ích cho xã hội. Hãy quan tâm tới môi trường sống và hãy bảo vệ nó.
Bài tin mừng hôm nay thánh Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chữa lành người bị quỷ ám, bị tật nguyền.
Xin Chúa cũng chữa trị những tật nguyền tâm hồn của mỗi chúng con để chúng con luôn can đảm sống đời ngôn sứ cho Chúa bằng cách thực hành tình bắc ái yêu thương với mọi người. 

Thứ Tư Tuần thứ 3 Mùa Vọng, năm A, thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ
Lời Chúa: 
 Lc 7, 19-23
Ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, 19sai họ đến hỏi Chúa rằng: "Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 20Khi đến gặp Đức Giêsu, hai người ấy nói: "Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Đấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 21Chính giờ ấy, Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."
 
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)

1. Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Chúng ta cũng nuôi một hình ảnh Thiên Chúa uy quyền, một hình ảnh Giáo Hội hiển hách. Vì thế chúng ta thường khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng như thế thì người ta sẽ mến và trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta.
Nhưng Đức Giêsu thì không muốn thế : Thiên Chúa mà Ngài trình bày là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ ; về bản thân thì Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng Cứu Nhân Độ thế. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.
Nói cụ thể, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn cao Giáo Hội, chúng ta, qua cách sống và hành động của mình, hãy cho người ta thấy rằng chúng ta và Giáo Hội chúng ta tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v.
2. Mẹ Têrêxa Calcutta là người cho thế giới thấy rõ nhất hình ảnh Đấng Messia quan tâm cứu giúp những kẻ khốn khổ. Nhưng tiếc thay Mẹ Têrêxa không còn nữa ! Mà thế giới thì vẫn luôn cần có những người như Mẹ. Ước gì trong Giáo Hội nổi lên những Têrêxa Calcutta khác. Ước gì tôi cũng là một Têrêxa Calcutta khác.
3. “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác” : nếu Giáo Hội không là một Messia cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người tôi mong đợi, người ta sẽ đi tìm một người khác.
4. Mùa Vọng là thời gian mong chờ Đấng Messia, và Giáo Hội muốn nói cho những người thời nay biết rằng họ có thể tìm thấy nơi chính Giáo Hội Đấng Messia mà lòng họ mong chờ. Nhưng liệu Giáo Hội có thuyết phục được họ không ?
5. Trong tác phẩm “Ngày của Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến :
“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người, là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu thế luôn là sự hứa hẹn cho buổi sáng ngày mai.” ("Mỗi ngày một tin vui")
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

HIỀN HÒA

Một buổi chiều nọ, ngồi trong tiệm sửa xe đạp, tôi có dịp quan sát khung cảnh náo nhiệt của một đoạn đường trong thành phố. Bỗng một chiếc Honda của một thanh niên từ trong hẻm lao thẳng ra và tông vào xe của một thiếu nữ. Rất may, cả hai người đều không bị thương tích ; nhưng chiếc quai giỏ bên tay xe của chị bị đứt. Trước mặt họ, những trái hồng văng tung toé. Hối hận vì hành động của mình, anh thanh niên vội bước đến xin lỗi và nhặt những trái hồng lên cho chị. Với thái độ điềm tĩnh, chị mỉm cười nói : “Xin lỗi anh, tôi thắng không kịp”.
Quả là điều thật dễ thương trong cuộc sống, khi con người biết biểu lộ tình thương, sự hiền lành và khiêm nhường. Thật dễ thương nhưng chẳng dễ thực hiện, bởi dư luận vẫn cho rằng hiền lành là ngu xuẩn và khiêm nhường là nhu nhược.

Biết bao lần ta đã chứng kiến ,chỉ vì một va quẹt nhỏ mà lời qua tiếng lại rồi mang dao thanh toán nhau. Biết bao lần bà chẳng nhịn ông không nhường nên dẫn đến xô xát nhau không chỉ người dưng mà cả những người thân trong gia đình như vợ chồng, anh em, con cái . . .
Nếu mỗi người biết học hai chữ hiền hòa chắc thế giới bớt xung đột và không còn những cảnh đau thương diễn ra hằng ngày. Nếu học thêm chữ khiêm nhường, chắc thế giới sẽ luôn bình an và thái bình.

Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người hãy học với Chúa bài học của sự khiêm nhường và hiền lành. Để không còn  ghen tương, tranh chấp,  tranh giành quyền lực mà làm hại lẫn nhau.
Ước gì chúng ta hãy biết học cùng Chúa sự hiền lành và khiêm nhường để gìn giữ sự hòa hợp cho những người chúng ta đang sống. Xin đừng vì tính kiêu căng tự phụ mà làm khổ tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su ,cuộc đời chúng con luôn đong đầy những gánh nặng, chồng chất hai vai. Chúng con luôn cảm thấy mệt mỏi, chán chường vì những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa, biết trao vào tay Chúa gánh nặng của cuộc sống để nhẹ vơi những ưu phiền lắng lo.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống khiêm nhưởng và hiền lành như Chúa. Xin giúp chúng con trở nên người môn đệ thực sự của Chúa, để những ai đến với chúng con đều cảm thấy nhẹ vơi những ưu phiền lắng lo, để những ai đến với chúng con đều được thanh thản bình an. Xin giúp chúng con biết trao tặng cho nhau những cử chỉ thân ái thay cho những thái độ cộc cằn thô lô. Xin cho chúng con biết trao ban cho nhau những lời hay lẽ phải thay cho những oán ghét giận hận. Amen

Thứ Tư Tuần 2 Mùa Vọng
Lời Chúa: 
 Mt 11,28-30

28"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

TRỞ VỀ

             Ngày xưa, có ba người con trai, họ đều đã kết hôn và làm công việc kinh doanh trong gia đình dưới sự giám sát của người cha. Họ đã làm ăn rất phát đạt. Mỗi người con lại thành thạo trong từng lĩnh vực riêng. Một người linh hoạt trong lĩnh vực bán hàng, một người khác thì lại giỏi trong hoạt động mua còn người cuối cùng lại là am hiểu lĩnh vực tài chính.


Thật không may, một ngày nọ, người cha bị ốm liệt giường. Ông không đủ sức để giúp các con trong công việc. Chính vì vậy ba người con đã quyết định mỗi người sẽ tự đi theo con đường của mình. Với hy vọng và niềm tin rằng họ là các chuyên gia trong từng lĩnh vực của mình, họ sẽ có thể quản lý được công việc kinh doanh cá nhân của mình.
Người cha đã biết chuyện và ngăn cản họ, nhưng không thành. Kết quả là ba người trong số họ đã trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau. Trong thời gian không lâu, lần lượt các công việc kinh doanh đều có tổn thất lớn. Họ đã thử tất cả những cách có thể để cứu vãn tình hình, nhưng dường như nó ngày càng tồi tệ hơn.
           

              Sau đó, họ quyết định xin cha một lời khuyên. Người cha từ tốn nói: "Khi tất cả các con đã được làm việc chung, công việc kinh doanh rất thành công. Nhưng đó không phải là bất kỳ một thành tích của ai cả, đó là sự chung sức của tất cả các con. Các con đã cùng nhau làm, cùng nhau chia sẻ công việc. Nếu các con tách ra thì chắc chắn công việc sẽ thất bại. Đó là điều các con đang phải đối mặt ".


Những người con trai đã nhận ra sai lầm của họ và trở lại cùng kinh doanh. Các anh đã nhận ra một điều, "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết". Đây sẽ là một kình nghiệm quý báu, không chỉ riêng cho ba người anh em mà cho cả chúng ta. Đoàn kết là sức mạnh to lớn, giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách, gian nan. Không những vậy đoàn kết còn giúp cho mối quan hệ của con người gẫn gũi, thân ái với nhau hơn, tạo ra nhiều niềm vui trong cuộc sống.



Tin mừng hôm nay cũng cho ta thấy trong một trăm con chiên, lại có một con đi lạc. Một mình riêng lẻ nó sẽ đối diện với nguy hiểm bởi thú dữ luôn rình chờ bên đường. Một mình riêng lẻ sẽ đối diện với cái đói, cái lạnh vì thiếu tình thương chăm sóc của chủ và đàn chiên.
Thiên Chúa rất sót xa khi thấy chúng ta sống xa đàn lạc lối. Thiên Chúa sẽ không bao giờ an tâm khi chúng ta vì mải mê theo đam mê danh lợi thú mà bỏ đàn. Ngài sẽ tìm muôn nghìn cách để đưa chúng ta trở về. Và chắc chắn Ngài sẽ vui mừng biết bao khi thấy chúng ta quay đầu trở về.
Xin cho chúng con luôn vui tươi no thỏa trong sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng đừng vì những đam mê bất chính mà lạc xa tình Ngài.


          Lạy Chúa là mục tử nhân lành. Chúa biết từng con chiên. Chúa chăm sóc từng cuộc đời chúng con như người mục tử chăm sóc từng con chiên của mình. Xin cho chúng con biết phó dâng cuộc đời trong tay Chúa, và an vui sống trong sự chăm sóc, chở che của Chúa.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin thương xót chúng con là những người tội lỗi, những con chiên lầm lạc. Chúng con tự ý tách ra khỏi gia đình và cộng đoàn để sống theo ý thích của mình. Vì ham vui, vì dại dột, vì cố ý mà chúng con đã không còn liên đới với những người chúng con yêu thương. Xin Chúa thương dẫn dắt chúng con về với gia đình và cộng đoàn. Xin giúp chúng con sửa đổi tính hư nết xấu để biết sống theo lề luật của Chúa. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn để sống hòa hợp với anh em trong tình nghĩa anh em một nhà. Xin giúp chúng con biết tự chủ bản thân để luôn sống trong sự chăm sóc, hướng dẫn của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nhận được tình Chúa luôn dõi bước theo chúng con, kiếm tìm chúng con, chờ đợi chúng  con, dẫu có những lúc chúng con đã lãng quên tình Chúa. Amen.



Thứ Ba Tuần 2 Mùa Vọng - Thánh Nicôla, giám mục.
Lời Chúa: 
 Mt 18,12-14
12"Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

B. Suy niệm ( ... nảy mầm)
1. Người ta chỉ cố sức tìm lại cái bị mất khi người ta thấy cái đó có giá trị. Người mục tử mới lặn lội đi tìm con chiên lạc vì vẫn coi con chiên đó là quý mặc dù nó đi lạc. Đối với Thiên Chúa, người nào cũng có giá trị, cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế Ngài vẫn yêu thương, vẫn quý chuộng và lặn lội tìm cứu : “Con người đến để tìm cứu những gì hư mất” (Lc 19,10). Khi tôi không tìm cứu người lầm lạc trong cộng đoàn của tôi là tôi không còn coi người đó là anh chị em mình nữa, nhưng coi đó là đồ bỏ.
2. “Để 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc”... “Vui mừng vì con chiên đó hơn là vì 99 con không bị lạc”. Ta sẽ không thể hiểu được những câu này nếu ta chỉ suy nghĩ theo luận lý tính toán vụ lợi. Trái lại ta sẽ hiểu rất dễ nếu suy nghĩ theo lý lẽ của con tim. Như một người mẹ lạc con, phải chăng bà để các đứa con khác ở nhà và tất tả đi tìm đứa bị lạc !
3. Việc để 99 con chiên kia trên núi để đi tìm con chiên lạc chứng tỏ trong tình cảnh đó trong đầu người mục tử không còn nghĩ gì khác, và trong lòng ông cũng không còn tâm tình gì khác ngoài nỗi lo lắng cho con chiên lạc : nó rất khổ, nó đói khát, nó phải gặp biết bao nguy hiểm... Càng thương nó, người mục tử càng thấy lòng mình như bị kim châm, lửa đốt...
4. Một trong những ý của bài đọc Cựu Ước : “Ngài chăn dắt đoàn chiên Ngài như một mục tử. Ngài ẵm những con chiên trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ”.
Nhiều khi tôi quen sống trái ngược với tâm tình của Chúa. Tôi vô tâm, bám vào khẩu hiệu “thiểu số phục tùng đa số”. Do đó có những cá nhân bơ vơ lạc lõng giữa công đoàn, họ trở thành vô danh giữa đám đông vô tình, chẳng ai ngó ngàng dìu họ về với nếp sống cộng đoàn.
Lạy Chúa, về một khiá cạnh nào đó, con cũng lại là một con chiên lạc. Vì ham vui, vì dại dột, vì cố ý… con đã tách rời khỏi bầu khí của cộng đoàn. Con trở nên lạc lõng bơ vơ giữa cộng đoàn đông người. Nhưng Chúa hằng lưu tâm tới mỗi cá nhân. Xin Chúa thương dắt con về với cộng đoàn.
5. “Người chăn chiên để 99 con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc” (Mt 18,12)
Đã có lần tôi cảm thấy ngao ngán khi phải đến thánh đường. Tất cả những sinh hoạt tôn giáo đối với tôi chỉ mất thời gian và vô nghĩa. Chúa ở đâu ? Tôi chẳng cần biết nữa. Và tôi tự giải thoát bằng đam mê học tập, lo toan kiếm sống và chạy theo những thú vui… Cuộc sống vẫn trôi, vẫn vui.
Rồi một ngày, trên đường đến trường, tôi gặp đám tang của một bạn trẻ. Sau quan tài, bà mẹ được hai người dìu bước, khóc nức nở. Cảnh tượng ấy làm tôi hết sức xúc động. Nhìn gương mặt tươi trẻ của anh trong khuôn ảnh, tôi tự hỏi : Cuộc sống chỉ có thế thôi sao ? Bạn ấy sẽ đi về đâu ? Còn tôi ? Chẳng lẽ cuộc sống lại kết liễu dễ dàng như vậy sao ? Tôi cảm thấy băn khoăn, trống rỗng. Chẳng biết phải làm gì nữa, tôi lại tìm đến Chúa. Nhìn lên thập giá, Chúa Giêsu đang dang tay, đầu gục xuống, như mong mỏi, chờ đợi tôi từ lâu. Trong thinh lặng, tôi đã nhận ra chính Ngài đã kiếm tìm tôi qua sự kiện bất ngờ ấy.
Lạy Chúa, xin cho con luôn cảm nhận được tình Ngài luôn dõi bước theo con, kiếm tìm con, chờ đợi con, dẫu có những lúc con đã quên Ngài (Epphata).
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

ĐIỀU TÌNH YÊU MỌNG ĐỢI


          Tại một làng trài nọ ,có một thanh niên hiền lành và tốt bụng, làm việc rất chăm chỉ . Ngày nọ trên đường về nhà, chàng nhặt được một cái chai nhỏ. Vì tò mò, chàng tìm cách tháo nắp chai ra . Bất ngờ từ trong chai bay ra một làn khói trắng và một vị thần khổng lồ xuất hiện .
-Vị Thần liền cất tiếng nói: "Đừng sợ ! Người là ân nhân của Ta . Ta cho người ba điều ước. Nào hãy ước đi chàng trai trẻ".
Chàng đắn đo và trả lời :"Thần cho tôi suy nghĩ được không".

-Được thôi Ta sẽ đợi ngươi khi hoàng hôn buông xuống.
Chàng trai đi dọc theo bờ biển và suy nghĩ . Trên đường đi chàng gặp một đám trẻ con hồn nhiên vô tư vui đùa. Nhìn những gương mặt trẻ thơ chàng thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Đi tiếp, chàng gặp một chàng trai trẻ liều mình cứu những người nghèo khổ thoát khỏi một băng trộm cướp. Tấm lòng nghĩa hiệp đó khiến chàng khâm phục. Chàng lại tiếp tục đi và thấy một đám đông đang vây quanh một cụ già , thì ra một con cá voi mắt cạn trôi dạt vào bờ, mọi người định giết nó để lấy thịt ăn nhưng cụ già ngăn lại, cụ nói: "Những gì thuộc về biển cả hãy trả về cho biển cả". Thế là chú cá voi được cứu sống.
-Khi hoàng hôn buông xuống , vị thần hiện ra hỏi - Ngươi đã nghĩ ra điều ước chưa?
Chàng trai trả lời: - Vâng xin thần hãy ban cho tôi sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ, một trái tim nghĩa hiệp của tuổi trẻ và một tấm lòng nhân ái vị tha của người từng trải.

Vị Thần nói  :- Hỡi chàng trai, người làm Ta bất ngờ đấy, bởi vì ngươi đã chọn những quý giá nhất của cuộc đời.

Chàng trai trong câu chuyện trên không xin vị thần danh vọng hay chức tước. Nhưng lại xin cho được tâm hồn đơn sơ của bé thơ, một trái tim nghĩa hiệp dũng cảm của tuổi trẻ và một tấm lòng nhân ái vị tha. Điều ước mong của chàng trai thật quý giá. Anh ta không xin những gì để đem lại lợi ích trước mắt và cho riêng bản thân, nhưng luôn nghĩ tới người khác.
Quả thật tấm lòng nghĩa hiệp là biết sống sự thật , chống lại cái xấu để giúp đỡ người yếu kém, người không có tiếng nói trong xã hội. .. một tấm lòng nhân ái vị tha để có thể cảm thông với nỗi đau của người khác.
Sức lực sẽ có ngày suy yếu, tiền bạc, tài năng sẽ có ngày cạn kiệt nhưng những gì anh thanh niên xin trong câu chuyện sẽ không bao giờ hết nhưng ngày càng phát triển và tồn tại mãi.
Lạy Chúa, bài Tin mừng hôm nay Chúa dạy con không phải cứ nói Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào nước trời.
Con biết Chúa luôn muốn con và mong con hãy sống những lời Ngài đã dạy là luôn sống kết hiệp với Ngài, sống yêu thương bác ái với mọi người không trừ ai. Xin cho con luôn thực thi lời Ngài để mai sau sẽ được ở bên Ngài mãi mãi.


Thứ năm đầu tháng. Tuần 1 Mùa Vọng năm A
Lời Chúa: 
 Mt 7,21.24-27
21 "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?"24 "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)
1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và sẽ được bài TM nhắc lại : “Dân công chính biếtgiữ sự trung tín, hãy tiến vào”
2. Tri phải đi đôi với hành. - Ta biết là thuốc tốt những không chịu uống thì cũng chẳng ích lợi gì. - “Hoả ngục được lát toàn bằng những thiện chí” : mai tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo. Những chẳng bao giờ thực hành.
3. Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta xây dựng cuộc sống đạo của mình trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh “Lạy Chúa, lạy Chúa”. Chúng ta ít quan tâm xây dựng cuộc sống trên việc tìm và thi hành ý Chúa, trên việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
4. Muốn biết ngôi nhà đức tin của ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những lúc “mưa sa, nước cuốn, bão táp” dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay không.
5. “Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi
“Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”.
Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời
- “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”...
Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua
“Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”...
- Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
6. “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7,21)
Có lần tôi xem được một chương trình trên tivi về những người cùng khổ trong xã hội. Họ không có lấy một chỗ dựa, một ai nâng đỡ để hòa nhập cuộc sống của mọi người. Họ đang cần sự giúp đỡ của bạn, và của chính tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi khước từ lời kêu cứu của họ. Tôi dửng dưng trước lời họ mời gọi. Và như thế, tôi cũng khước từ ý muốn của Cha. Ý muốn của Cha là “anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu anh em”, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống vì anh em. Vậy, tôi phải cứu lấy những anh em tôi, phải thi hành ý muốn của Cha.
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương anh em như Chúa đã yêu con, để người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Ngài (Epphata)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM ÁNH SÁNG

Có câu chuyện kể rằng : có hai người bị lạc vào trong một khu rừng nọ. Một người bị gãy chân và một người bị mù. Cả hai cứ loay hoay tìm cách để ra khỏi khu rừng nhưng không sao ra được . Vì người gãy chân thì không thể đi, còn người mù cũng không thể bước bởi không nhìn thấy đường. Người gãy chân liền nói với người bị mù rằng : “Anh hãy cõng tôi, tôi sẽ chỉ cho anh đường phải đi, hố sâu để tránh ….vừa nghe thế người mù đã đứng vội vàng đứng dậy và nói : làm sao mà được , anh to béo và nặng thế kia làm sao tôi có thể cõng được. Vậy là anh mù bắt đầu tự bước đi. Anh cố dò dẫm đôi chân với hai  tay khờ khoạng về phía trước, hi vọng là sẽ đi đúng đường để ra khỏi rừng . Nhưng anh đâu biết phía trước anh đang có một bụi gai, người gãy chân nhìn thấy người mù tiến gần tới bụi gai  liền kêu : bụi gai phía trước . Người mù nghe thấy tiếng kiêu bụi gai phía trước liền đứng lại, không dám bước tiếp và  ngập ngừng nói: “thôi anh lên tôi cõng anh và anh chỉ đường cho tôi”.

     Mù lòa thể xác ai cũng biết, nhưng mù lòa tâm hồn thì không dễ nhận ra.Thế giới hôm nay cũng đang có những luồng ánh sáng và cơn lốc tối mù lý trí và lương tâm con người, bệnh mù này còn nguy hiểm hơn bệnh mù thể xác. Vì lắm lúc con người đang mù mà vẫn cứ tưởng là mình sáng, hoặc có quá nhiều người mù nên con người lại lấy số đông để khỏa lấp cơn bệnh. Phần nào như tâm trạng của Tú Xương: "Thiên hạ có khi đang ngủ cả, việc  gì mà thức một mình ta". 
           Nhiều khi trong cuộc sống hằng ngày, ta xem mình là trung tâm của vũ trụ nên chẳng thấy mình thiếu điều gì, và cũng chẳng quan tâm đến bất cứ ai. Vì cho mình làm được tất cả.Vì thế  ta  mù mờ về chính mình và mù lòa trên đường đời. Mù mờ về chính mình, nên ta khó nhận ra những khát vọng chính đáng từ sâu thẳm hồn ta, khó nghe được tiếng của Đấng đang ẩn náu nơi kín đáo nhất của tâm linh ta, vì thế mà ta khó lòng trung thành với Đấng ta đã từng tuyên xưng niềm tin vào Ngài, khó mà trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của ta, nhất là khó đứng vững trước những trào lưu tư tưởng và xu hướng sống trái ngược với niềm tin, nhưng lại rất hấp dẫn và mời mọc ta, ta dễ dàng rơi vào tình trạng hoảng loạn với những điều xảy ra quanh ta.    
             Ðể chữa trị bệnh mù này cũng không dễ dàng gì, nó đòi hỏi con người phải có một thái độ bền bỉ và vững tin , không đầu hàng trước những yếu đuối bản thân. Nhưng can đảm đón nhận sự thật về chính mình là đang bị  mù tinh thần và sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp.

Hôm nay bài Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong ánh sáng của Chúa người ta mới thực sự nhìn thấy ánh sáng. Mùa Vọng nhắc cho ta: Chúa Kitô đã đến để cứu độ ta. Vậy tôi có đến với Chúa Giêsu để xin Người mở con mắt đức tin, xóa cảnh mù lòa để thấy Chúa hiện diện trong mọi sự, mà tôn vinh, cảm tạ, lắng nghe và cầu xin với Người?

Ước mong rằng, trong Mùa Vọng này, mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu được giá trị sự sáng Chúa đã đem đến cho trần gian, cũng như biết rõ tình trạng mù lòa của mình để rồi chúng ta sẽ tìm đến với Ngài, bất chấp mọi khó khăn trở ngại và nhờ vào lòng tin, chúng ta sẽ được chữa lành.

Thứ sáu đầu tháng. Tuần 1 Mùa Vọng năm A
Lời Chúa: 
 Mt 9,27-31
27 Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng : "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi !" 28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ : "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?" Họ đáp : "Thưa Ngài, chúng tôi tin." 29 Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói : "Các anh tin thế nào thì được như vậy." 30 Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ : "Coi chừng, đừng cho ai biết !" 31 Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

B. Suy niệm ( ... nảy mầm)
1. Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn TM : ‘Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy”.
2. “Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong Ngài chúng ta mới thực sự là người được sáng mắt ; chỉ trong Ngài chúng ta mới biết chúng ta là ai ? sẽ đi về đâu ? và đâu là ý nghĩa cuộc sống ? Nhưng dĩ nhiên, để có thể tiếp nhận ánh sáng của Chúa Kitô, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
3. Có nhiều loại mù : mù loà, mù chữ, mù vi tính… nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng đời mình có lẽ là tai hại hơn cả. - Người mù đã dùng đức tin mà đi tới Ánh Sáng thật. Hay nói cách khác, có một cách lần tới được ánh sáng một cách thần diệu, đó là đức tin.
4. Trong đời sống đạo, khi nhận ra mình đang mù và mong tìm về ánh sáng đó là những bước khởi đầu rất tốt cho sự hoán cải và sẽ được biến đổi.
5. Tự phụ đến mù quáng : Con sư tử đến hỏi con tê giác “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Con tê giác đáp “Là sư tử chứ ai”. Sung sướng quá, sư tử đến hỏi con hà mã “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Và hà mã cũng trả lời “Là sư tử chứ ai”. Sư tử lại đến hỏi con voi “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Voi chẳng nói chẳng rằng, dùng vòi túm lấy sư tử, quăng nó lên trời. Khi rơi xuống đất, con sư tử chóng váng mặt này, mình mẫy ê ẩm, nhưng cũng rán nói vớt vát : “Vì mi ngu quá chẳng trả lời nổi câu hỏi của ta nên ta không thèm ăn thua với mi” (Lon Jacobe).
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng thế gian. Chúa đã soi sáng cho nhân trần ánh sáng của chân lý và tình thương. Xin soi sáng lòng trí chúng con để chúng con ra khỏi những mê muội tội lỗi. Xin mở mắt tâm hồn để chúng con nhận ra tha nhân là hình ảnh của Chúa. Xin soi sáng để chúng con luôn bước đi trong chân lý và bình an.
Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho những lần chúng con cố tình sống trong cảnh mù quáng của bản thân. Sự mù quáng của lòng tham, của ích kỷ, của thiển cận hẹp hòi đã khiến chúng con gây bao nỗi khổ cho anh em. Sự mù quáng của thành kiến, của bảo thủ đã làm chúng con xa rời anh em. Xin giúp chúng con sám hối ăn năn. Xin cho chúng con can đảm sống theo ánh sáng của lề luật, của lương tâm ngay lành. Xin giúp chúng con khắc phục những khiếm khuyết của bản thân để chúng con luôn sống dưới cái nhìn của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con giống hình ảnh Chúa. Xin giúp chúng con biết nhận ra nhau là anh em, và biết nhận ra vẻ đẹp của tha nhân để chúng con luôn yêu mến và tôn trọng lẫn nhau. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền