Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

HƯƠNG VỊ CUỘC SỐNG

Có một nhà giáo dục đã kể câu chuyện như sau:
Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng. Người ta châm lửa và nến cháy sáng lung linh. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng.
Mọi người đều trầm trồ : “Ồ nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh. Thế nhưng nhưng những dòng sáp nóng bắt đầu chảy ra, chảy dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa , nến giật mình: “Chết mất, ta mà cứ chảy mãi như này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao lại phải thiệt thòi như vậy?”.

Nghĩ rồi nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Chỉ còn một sợi khói mỏng manh bay lên.
Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện tầm quan trọng của mình. Bỗng một người đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu.”Đèn dầu được thắp lên, còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ. Bấy giờ ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu ra rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng, được tiêu hao và tan chảy vì mọi người. Bởi vì nó là ngọn nến.
Mỗi người chúng ta là một ngọn nến trong vũ trụ bao la. Được thượng đế tái tạo trong yêu thương được triển nở và được hưởng hạnh phúc. Chúng ta cũng được cắt đặt quanh ta những mối quan hệ gần gũi, thân thiết là gia đình, hàng xóm, bạn bè, xã hội để cộng tác giúp đỡ lẫn nhau .
Ngọn nến trong câu chuyện trên có lúc đã không chịu chiếu sáng, không sống với hết bản chất của riêng  mình . Ngọn nến đã vụt tắt, ích kỉ giữ lại cho riêng mình mãi cho tới lúc bị lãng quên như vật phế thải mới hiểu ý nghĩa của sự tiêu hao , hiểu được niềm vui của sự cho đi.
Quả thật cuộc sống của con người có mang được những hương vị ý nghĩa cho đời hay không là ta biết lan tỏa hương vị đó ra cho mọi người, là biết phục vụ, chia sẻ với mọi người chung quanh . Bởi không ai là một hòn đảo tách biệt, ngay cả đất đá vo tri…Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì như sỏi đá cũng cần có nhau. Bởi thế khi ta sống cùng và sốn với mọi người quanh ta, hãy làm điều gì đó dù rất nhỏ như: nở nụ cười khi gặp gỡ, chào nhau bằng cái chào thân thiện , chia sẻ cho nhau nếu có thể. Hãy sống là người trưởng thành và có ích cho xã hội. Hãy quan tâm tới môi trường sống và hãy bảo vệ nó.
Bài tin mừng hôm nay thánh Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chữa lành người bị quỷ ám, bị tật nguyền.
Xin Chúa cũng chữa trị những tật nguyền tâm hồn của mỗi chúng con để chúng con luôn can đảm sống đời ngôn sứ cho Chúa bằng cách thực hành tình bắc ái yêu thương với mọi người. 

Thứ Tư Tuần thứ 3 Mùa Vọng, năm A, thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ
Lời Chúa: 
 Lc 7, 19-23
Ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, 19sai họ đến hỏi Chúa rằng: "Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 20Khi đến gặp Đức Giêsu, hai người ấy nói: "Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: "Thầy có thật là "Đấng phải đến" không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 21Chính giờ ấy, Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi."
 
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)

1. Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Chúng ta cũng nuôi một hình ảnh Thiên Chúa uy quyền, một hình ảnh Giáo Hội hiển hách. Vì thế chúng ta thường khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng như thế thì người ta sẽ mến và trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta.
Nhưng Đức Giêsu thì không muốn thế : Thiên Chúa mà Ngài trình bày là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ ; về bản thân thì Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng Cứu Nhân Độ thế. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.
Nói cụ thể, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn cao Giáo Hội, chúng ta, qua cách sống và hành động của mình, hãy cho người ta thấy rằng chúng ta và Giáo Hội chúng ta tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v.
2. Mẹ Têrêxa Calcutta là người cho thế giới thấy rõ nhất hình ảnh Đấng Messia quan tâm cứu giúp những kẻ khốn khổ. Nhưng tiếc thay Mẹ Têrêxa không còn nữa ! Mà thế giới thì vẫn luôn cần có những người như Mẹ. Ước gì trong Giáo Hội nổi lên những Têrêxa Calcutta khác. Ước gì tôi cũng là một Têrêxa Calcutta khác.
3. “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác” : nếu Giáo Hội không là một Messia cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người tôi mong đợi, người ta sẽ đi tìm một người khác.
4. Mùa Vọng là thời gian mong chờ Đấng Messia, và Giáo Hội muốn nói cho những người thời nay biết rằng họ có thể tìm thấy nơi chính Giáo Hội Đấng Messia mà lòng họ mong chờ. Nhưng liệu Giáo Hội có thuyết phục được họ không ?
5. Trong tác phẩm “Ngày của Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến :
“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người, là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu thế luôn là sự hứa hẹn cho buổi sáng ngày mai.” ("Mỗi ngày một tin vui")
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét